Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Thoái hoá khớp gối: Cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn nếu điều trị muộn

Thoái hoá khớp gối nhiều – vì sao tỉ lệ thay khớp ít?

PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện trường Đại học Y Hà Nội cho biết, tại Việt Nam, bệnh nhân bệnh lý khớp gối khá nhiều và gặp nhiều ở phụ nữ nhưng tỉ lệ thay khớp gối còn ít do kỹ thuật thay khớp vẫn còn khá mới ở nước ta. Ngoài ra còn một nguyên nhân quan trọng là bệnh nhân thường đến viện rất muộn, đã điều trị bằng các biện pháp đông y, tiêm các loại, bó lá… không khỏi mới đến bệnh viện khám thì không còn có thể mổ được nữa vì khớp đã hỏng, nếu mổ được thì cũng nhiều biến chứng hơn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao mà thay khớp bị nhiễm khuẩn thì là một thảm hoạ.

Hiện nay tại Bệnh viện đang áp dụng thay khớp gối toàn phần và đang cập nhật kỹ thuật thay khớp gối bán phần. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng là một trong những cơ sở sớm nhất ở miền Bắc thực hiện thay khớp gối, khớp vai và khớp háng. Hiện BV đã mổ khoảng 20 ca thay khớp gối toàn phần, nhiều trường hợp đạt hiệu quả rất tốt nhưng cũng có những trường hợp chưa được như mong muốn vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chỉ định mổ, giai đoạn mổ có phù hợp không. Nếu bệnh nhân mổ quá muộn thì sẽ khó khăn hơn vì phần cơ hỏng hết, khó cử động lại. Khớp gối ngoài xương, cơ, hệ thống dây chằng phải còn tốt thì mới cử động được, nếu mổ giai đoạn muộn quá thì dây chằng hỏng hoặc cơ thoái hoá quá nặng thì bệnh nhân sẽ không cử động được. Khớp thoái hoá chia làm 4 độ, thường ở đầu giai đoạn 4 là phải mổ và không được để quá muộn. Khớp nhân tạo thay thế được chọn theo kích cỡ có sẵn phù hợp với từng bệnh nhân. Chi phí thay khớp khoảng 40-50 triệu đồng.

PGS.TS. Kiều Đình Hùng.

Cũng theo PGS.TS. Kiều Đình Hùng, ở các nước phát triển thì tỉ lệ thay khớp gối cao hơn khớp háng, chiếm khoảng 55% trong các phẫu thuật thay khớp, còn ở nước ta thì chủ yếu là thay khớp háng, không phải vì bệnh lý khớp gối ít hơn mà vì thường đến bệnh viện muộn, ít cơ sở điều trị có đủ điều kiện thay khớp gối nên họ cố điều trị bằng nội khoa. Ngay tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng mới chỉ thực hiện thay khớp gối toàn phần được khoảng 2-3 năm nay. Ngoài ra ở khu vực miền Bắc cũng chỉ có một số bệnh viện lớn có đủ điều kiện thực hiện thay khớp gối toàn phần như: BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV TWQĐ 108, BV quân y 103… Trong quá trình từ khâu hội chẩn đến quyết định mổ, bác sĩ phải chuẩn bị nhiều phương án để có lựa chọn tối ưu nhất cho bệnh nhân trong quá trình mổ. Thay khớp là một kỹ thuật hiện đại và phải chuẩn bị rất chu đáo nhưng quyết định cuối cùng là trong lúc mổ chứ không phải chỉ chuẩn bị một phương án duy nhất.

Thể thao đúng cách để phòng ngừa thoái hoá khớp

Theo TS. Nguyễn Văn Hoạt, khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện trường Đại học Y Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý khớp gối, trong đó thoái hoá là nguyên nhân đứng hàng đầu. Tiếp theo là nguyên nhân do chấn thương (do chơi thể thao hoặc lao động), khi chấn thương gây tổn thương sụn trên, sau đó sẽ tổn thương đến khớp và đây cũng là nguyên nhân chiếm tỉ lệ khá cao. Bên cạnh đó là nguyên nhân do các bệnh lý về các khối u vùng khớp nhưng tỉ lệ ít hơn, một số bệnh viêm mạn tính hoặc viêm khớp (thường gây tổn thương cả 2 bên).

Ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần đầu tiên tại miền Bắc vừa được các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội thực hiện thành công với sự chuyển giao kỹ thuật của chuyên gia Đức chiều 23/6/2017.

Bệnh lý khớp gối do thoái hoá là bệnh tiến triển dần theo quá trình phát triển của mỗi người, có những người bị thoái hoá từ rất sớm do cơ địa hoặc do bản thân sinh ra kháng thể để chống lại chính những thành phần của khớp. Do đó, một trong những vấn đề dự phòng thoái hoá khớp là bằng các bài tập phục hồi chức năng, các bài tập thể thao đúng cách. Ví dụ như bệnh nhân thoái hoá khớp thì không nên chơi những môn thể thao đối kháng như tennis, bóng bàn, cầu lông, bóng rổ… vì khi chạy, nhảy nó sẽ dồn trọng lực vào khớp. Có thể tập bơi hoặc những môn thể thao nhẹ nhàng như đạp xe hoặc những môn thể thao không chịu lực lên khớp gối, đó là những cách hiệu quả để phòng chống thoái hoá khớp gối. Thường những người có cân nặng cao hay bị bệnh khớp gối vì khớp phải chịu trọng lực quá tải, do đó giảm cân cũng là một cách để dự phòng thoái hóa khớp. Những người chơi thể thao mà để cơ thể chịu lực quá nhiều, các khớp bị tác động lên nhiều cũng dễ bị thoái hoá. Người đạp xích lô cũng dễ bị thoái hoá khớp do vận động quá nhiều lên khớp.

Thoái hoá là một quá trình, nó nặng dần cho đến khi người bệnh không thể chịu được. Để phòng ngừa thoái hoá khớp gối, cần chịu khó tập thể thao nhưng phải đúng cách. Ngoài ra có thể bổ sung một số loại thuốc bổ trợ cho quá trình điều trị, đặc biệt trong giai đoạn cấp để giảm quá trình thoái hoá, còn khi người bệnh không chịu đựng được nữa thì cần phải khám và điều trị thích hợp.

Hạ Hiền

0 nhận xét:

Đăng nhận xét